Doanh nghiệp nhập khẩu oto tiếp tục than khó
Thứ Tư, 8 tháng 11, 2017.
Người đăng:
Đặng Thanh Thái
Những doanh nghiệp chuyên nhập khẩu oto vừa mới than khó và muốn nhà nước nới lỏng thêm quy định cho oto nhập khẩu.
Chẳng phải yêu cầu giảm thuế hay các loại phí đang đánh khá mạnh lên oto nhập khẩu, giới này lại muốn nhà nước nới lỏng các quy định đang áp lên oto nhập khẩu mà nổi bật nhất chính ở việc đăng kiểm chất lượng của xe. Theo phía cơ quan thẩm quyền và giới sản xuất oto nội địa thì đòi hỏi này khá khó hiểu vì đến hàng nội địa cũng phải chịu sự quản lý gắt gao về chất lượng thì sao oto ngoại nhập lại muốn được lược bỏ?
Để hiểu chi tiết hơn về đòi hỏi này của doanh nghiệp chuyên nhập khẩu oto, mời đọc bài "Giới nhập khẩu ôtô lại kêu khó, đòi nới quy định" đăng trên VnExpress như sau:
Các doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu, lắp ráp xe tại Việt Nam vừa kiến nghị xin nới điều kiện nhập khẩu.
Bản kiến nghị lần thứ 2 về quy định tại Nghị định 116 sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vừa được Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) gửi tới các Bộ, ngành. Trong đó, các doanh nghiệp muốn được hồi tố, nới quy định về điều kiện nhập khẩu xe. Như vậy sau các doanh nghiệp kinh doanh xe nhập khẩu nhỏ lẻ, tới lượt doanh nghiệp ngoại lớn cũng 'kêu' về quy định siết nhập khẩu tại Nghị định này.
Theo quy định tại Nghị định 116, các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô phải cung cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong VAMA lại cho rằng họ không thể tìm được bất kỳ một giấy chứng nhận kiểu loại nước ngoài nào phù hợp với thông số kỹ thuật của các xe nhập khẩu vào Việt Nam.
Đối với yêu cầu thử nghiệm từng lô xe nhập khẩu, VAMA cũng cho rằng không thể tuân thủ được quy định này do gánh nặng của việc cùng một mẫu xe nhập khẩu mà vẫn bị thử nghiệm đi thử nghiệm lại về khí thải và an toàn theo từng lô hàng, cộng thêm đó là tăng chi phí lên tới 10.000 USD cho việc thử nghiệm theo từng lô.
Hay như quy định đường thử 800m, các thành viên VAMA cũng cho biết thời điểm hiện tại, không doanh nghiệp nào có sẵn đường thử đáp ứng điều kiện của Nghị định này.
Với những khó khăn trên, theo VAMA, một số doanh nghiệp thành viên đang gặp khá nhiều khó khăn trong việc đưa hàng về Việt Nam từ đầu năm tới, trong đó có đơn vị đã phải huỷ đơn hàng do lo lắng không đáp ứng được quy định mới.
"VAMA đề nghị nới hàng loạt quy định: chỉ yêu cầu thử nghiệm khí thải và an toàn với lô hàng đầu tiên, không yêu cầu về đường thử...", bản kiến nghị của Hiệp hội này nêu.
Đáng nói trong những văn bản góp ý xây dựng Nghị định về quản lý mặt hàng ôtô, đại diện của đa số công ty xe hơi ngoại ở Việt Nam lại tỏ ý đồng tình và muốn các Bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản pháp luật này nhằm thiết lập thị trường ôtô Việt Nam. Vì thế, bản kiến nghị lần này của VAMA với tính chất hồi tố khiến không ít chuyên gia ngỡ ngàng.
Ông Lê Dương Quang - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng khung chính sách ngành ôtô cụ thể là Nghị định 116 cùng với dự thảo chính sách thuế nhập khẩu đối với linh kiện ôtô giai đoạn 2018 - 2020 đã phân định ranh giới rõ ràng giữa doanh nghiệp đầu tư sản xuất lắp ráp và nhập khẩu.
Theo ông, từ năm 2018 thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN về 0%, các doanh nghiệp chỉ đơn thuần nhập, lắp ráp, tỷ lệ nội địa hoá thấp sẽ có xu hướng tận dụng thuế chuyển hẳn sang nhập khẩu.
"Việc ra điều kiện chặt chẽ của chính sách sẽ ràng buộc các doanh nghiệp FDI phải kết nối sản xuất linh kiện, nội địa hoá nếu muốn kinh doanh tại Việt Nam thay vì biến Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ xe nhập khẩu, tạo việc làm cho các nhà sản xuất Thái Lan, Indonesia”, ông Quang nhận xét.
Kiến nghị hồi tố của VAMA không chỉ khiến giới chuyên gia mà cả các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước cảm thấy bất ngờ.
Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Hyundai Thành Công cho rằng, những quy định tại Nghị định 116 là cần thiết vì kinh doanh, sản xuất, lắp ráp ôtô là ngành kinh doanh có điều kiện. Ông Đức thấy hợp lý với yêu cầu Giấy chứng nhận kiểu loại do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp và kiểm tra chất lượng với từng lô xe đối với dòng nhập khẩu. Lý do là nó giúp cơ quan chức năng tại Việt Nam có cơ sở kiểm tra chất lượng, tính đồng bộ của các linh kiện, hệ thống đối với một chiếc xe hoàn chỉnh. Ông tỏ ý ngạc nhiên khi doanh nghiệp ngoại lại kêu khó và đề nghị hồi tố các quy định này.
"Doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng phải chịu chi phí tốn kém đầu tư đáp ứng yêu cầu, quy định mới, sao xe nhập khẩu lại kêu khó?", ông nói, đồng thời khẳng định các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước đều phải qua các khâu kiểm tra, thẩm định, thử nghiệm các linh kiện rất khắt khe và chấp nhận đầu tư vì "đường dài".
Trong khi đó, đại diện Bộ Công Thương thì khẳng định những yêu cầu đưa ra tại Nghị định 116 đã đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp sản xuất trong nước và nhập khẩu. Những quy định về đường thử hay yêu cầu giấy chứng nhận ... buộc nhà nhập khẩu hay sản xuất trong nước đều phải thực hiện nên sẽ tạo công bằng trong kinh doanh.
Trong tuần này các bộ ngành sẽ họp bàn về các nội dung trong Thông tư hướng dẫn Nghị định 116 về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô, kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô.
Một điều buồn cười khi xem phần phản hồi của các đọc giả trên báo, vài người đọc không kỹ nội dung đã bênh vực ngay cho xe ngoại và cho rằng đòi hỏi của giới nhập oto nguyên chiếc là đúng vì muốn dẹp bỏ sự bảo hộ hàng nội. Tuy nhiên, không ít đọc giả tinh tường chịu đọc hết bài và đồng ý rằng vẫn giữ quy định kiểm soát chất lượng chặt chẽ đang áp cho oto nhập khẩu nguyên chiếc.
Thanh Thái
Bài liên quan