Chuyện vay 300 triệu USD từ Trung Quốc làm vốn đầu tư đường cao tốc
Thứ Tư, 8 tháng 11, 2017.
Người đăng:
Đặng Thanh Thái
Hiện nay khi nói đến Cao Bằng ta sẽ gặp phải chuyện tỉnh này muốn vay 300 triệu USD từ Trung Quốc để đầu tư xây đường cao tốc, vậy mọi chuyện thế nào?
Ai cũng biết muốn phát triển kinh tế thì giao thông phải thuận tiện, nhằm thúc đẩy điều này mà tỉnh Cao Bằng đề xuất vay của Trung Quốc món tiền 300 triệu USD để bồi vào vốn xây dựng đường cao tốc nói tỉnh này với các khu vực trọng điểm khác của miền Bắc. Thoạt nghe có vẻ tích cực nhưng ai cũng biết nước ta đã nợ nước ngoài rất nhiều tiền, riêng Trung Quốc cũng đã sẵn là chủ nợ lớn với các điều kiện không mấy đẹp cho phía ta.
Vậy tại sao Cao Bằng vẫn muốn vay thêm của anh bạn hàng xóm phương Bắc? Mọi chuyện đang tiến triển thế nào? Mời đọc "Cao Bằng chưa được vay Trung Quốc 300 triệu USD làm cao tốc" đăng trên VnExpress như sau:
Điều kiện vay từ Trung Quốc không ưu đãi bằng vốn ODA nên Bộ Kế hoạch & Đầu tư chưa đồng tình với đề xuất của tỉnh Cao Bằng.
Cao Bằng muốn sớm vay Trung Quốc 300 triệu USD làm cao tốc / Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư: Vay Trung Quốc 300 triệu USD làm cao tốc phải đàm phán lại / Việt Nam xem xét vay Trung Quốc 300 triệu USD làm cao tốc kết nối biên giới
Kiến nghị của cử tri tỉnh Cao Bằng về việc vay ưu đãi 300 triệu USD (7.000 tỷ đồng) của Trung Quốc làm đường cao tốc từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) đến cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) chưa nhận được sự đồng thuận từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư.
Giữa tháng 6/2017, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã có văn bản gửi UBND tỉnh Cao Bằng nêu chi tiết về khoản vay trên. Theo đó, khoản vay 300 triệu USD này từ đối tác cho vay phía Trung Quốc - China Eximbank sẽ có thời hạn trong 20 năm gồm 5 năm ân hạn, lãi suất 2,5% một năm, phí quản lý 0,25% một năm và phí cam kết 0,25% cho toàn bộ khoản vay.
Cơ quan ngành kế hoạch cho hay, đây là điều kiện vay tốt nhất phía Trung Quốc có thể cung cấp, không giảm thêm nữa. Tuy nhiên điều kiện này chưa đạt mức ưu đãi như nguồn vốn ODA nên Chính phủ vẫn phải cho vay lại chứ không thể cấp phát. Trong khi đó, Bộ Giao thông Vận tải không đủ điều kiện để vay lại khoản vay này.
Tuyến cao tốc nối Lạng Sơn - Cao Bằng vẫn chưa thể triển khai do chưa bố trí được vốn. Ảnh minh hoạ
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, hạn mức vay lại của tỉnh Cao Bằng rất thấp. Mặt khác, tổng mức đầu tư của dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là khoản 825 triệu USD (theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải). Vì vậy, nếu chỉ đầu tư 300 triệu USD sẽ không thông được toàn tuyến.
"Vì thế cần tiếp tục nghiên cứu phương án khả thi hơn để đầu tư tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh", Bộ Kế hoạch nêu quan điểm.
Cuối tháng 6, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã có ý kiến chỉ đạo, giao Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh quy hoạch mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến 2030, trong đó có bổ sung tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Việc phân cấp cơ quan chủ trì quản lý dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh cũng như các nội dung liên quan đến bố trí vốn đầu tư sẽ được xem xét sau khi điều chỉnh, bổ sung quy hoạch trên được phê duyệt.
Trước đó, trong văn bản kiến nghị gửi Chính phủ hồi tháng 5, tỉnh Cao Bằng mong cấp có thẩm quyền nhanh chóng tham mưu, sớm bố trí vốn cho dự án trên, trước mắt là khoản vay 300 triệu USD của Trung Quốc. Khoản tiền này từng được nhắc tới trong cuộc làm việc hồi đầu tháng 2 giữa Thủ tướng và lãnh đạo Cao Bằng. Lãnh đạo tỉnh mong muốn Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ đàm phán với phía Trung Quốc để đạt được thỏa thuận vay.
Tỉnh này cũng đề xuất Chính phủ giao tỉnh hoặc Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư dự án, đồng thời ứng trước nguồn vốn từ ngân sách Trung ương để khẩn trương lập hồ sơ đầu tư.
Thực tế, một khoản vay trị giá 300 triệu USD từ Trung Quốc từng được đề cập trong phương án vốn làm cao tốc Vân Đồn -Móng Cái (Quảng Ninh) hồi giữa năm 2016. Tuy nhiên sau đó phương án này không được tính đến do Quảng Ninh - chủ đầu tư dự án này thấy vay vốn Trung Quốc thường đi kèm điều kiện và có thể làm chậm tiến độ dự án. Đồng thời, với tổng vốn 16.000 tỷ đồng cho cả dự án, việc vay Trung Quốc 300 triệu USD (gần 7.000 tỷ đồng) là không đủ để đầu tư.
Chẳng rõ liệu công trình có đáng đồng tiền bát gạo bỏ ra hay không? Chất lượng thế nào cũng như xây trong bao lâu? Tuy nhiên, khi động đến Trung Quốc mà đặc biệt là về kinh tế thì người dân hầu như đều ngán ngẩm và chẳng muốn dính gì đến kẻ xấu tính này, tương lai dự án này sẽ thế nào nữa?
Thanh Thái
Bài liên quan