Lợi nhuận công viên nước Đầm Sen bỏ xa Hồ Tây đồng dạng
Thứ Năm, 20 tháng 4, 2017.
Người đăng:
Đặng Thanh Thái
Tuy cả hai đều là dạng công viên nước nhưng lợi nhuận của Đầm Sen bỏ xa Hồ Tây dù nhiều yếu tố rất tương đồng.
So sánh về quy mô, thời gian khởi động, lợi nhuận của hai bên,...cho thấy dù phía công viên nước Đầm Sen đầu tư ít hơn nhưng lợi nhuận lại cao hơn công viên nước Hồ Tây rất nhiều. Phía ban lãnh đạo của Hồ Tây lý giải rằng do không có vốn đầu tư xây trò giải trí mới, kèm theo sự cạnh tranh cao của các khu vui chơi du lịch mới nổi gần Hà Nội.
Vậy chi tiết tình hình này ra sao, phân tích thế nào cho đúng? Hãy cùng đọc bài "Cùng làm công viên nước nhưng Đầm Sen lãi gấp 20 lần Hồ Tây" trên báo VnExpress với nội dung như sau:
Mặc dù cùng xuất phát điểm với quy mô đầu tư tài sản chưa bằng một nửa, nhưng lợi nhuận Công viên nước Đầm Sen thu về gấp hàng chục lần so với Công viên Hồ Tây.
Kết thúc năm 2016, Công ty cổ phần Dịch vụ Giải trí Hà Nội (Mã CK: HES) - đơn vị quản lý Công viên Hồ Tây, ghi nhận doanh thu gần 130 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận sau thuế tiếp tục giảm còn gần 4 tỷ đồng so với mức 5 tỷ đồng năm 2015.
Trong 5 năm gần đây, mặc dù doanh thu của Công viên Hồ Tây tăng liên tục từ mức 93 tỷ lên 130 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận chỉ còn chưa tới một phần ba so với mức 15 tỷ đồng của năm 2011. Trong khi đó, một doanh nghiệp khác cũng hoạt động trong cùng lĩnh vực này là Công ty cổ phần Công viên nước Đầm Sen (Mã CK: DSN) tại TP HCM lại ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng đều qua các năm.
Năm 2016, Công viên nước Đầm Sen đạt gần 183 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 76 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, với biên lợi nhuận trên doanh thu đạt hơn 41,5%. Mặc dù cùng hoạt động trong lĩnh vực vui chơi, giải trí với quy mô tương đương, thậm chí nguyên giá tài sản cố định của Công viên Hồ Tây còn cao hơn gấp đôi so với Công viên nước Đầm Sen, tuy nhiên lợi nhuận giữa hai đơn vị này lại chênh nhau tới gần 20 lần.
Trong khi lợi nhuận trước thuế của Công viên nước Đầm Sen tăng nhanh qua các năm thì lợi nhuận của Công viên Hồ Tây liên tục giảm trong 5 năm gần đây. Ảnh: Minh Sơn
Cả hai doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vui chơi, giải trí tại hai thành phố lớn nhất cả nước đều có cùng xuất phát điểm như nhau. Công viên Hồ Tây và Công viên nước Đầm Sen đều đi vào hoạt động từ năm 1998 với vốn điều lệ ban đầu lần lượt là 43,9 tỷ và 45 tỷ đồng. Đến cuối năm 2016, vốn điều lệ của hai doanh nghiệp tăng lên gần 93 tỷ và 121 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau gần 20 năm hoạt động, trong khi Công viên nước Đầm Sen liên tục tăng trưởng thì hoạt động kinh doanh của Công viên Hồ Tây lại liên tục đi xuống. Tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, có nhiều lý do đã được ban điều hành doanh nghiệp này đưa ra để lý giải cho kết quả kinh doanh không mấy tích cực.
Theo lãnh đạo của Công viên Hồ Tây, trong giai đoạn năm 2012, 2013 hoạt động kinh doanh của công ty còn tương đối tích cực nhưng đà đi xuống đã bắt đầu từ năm 2014 khi nhiều khu vui chơi giải trí của các đối thủ khác khai trương tại khu vực Hà Nội và Quảng Ninh, đã làm giảm lượng khách đến Công viên Hồ Tây. Trong khi chi phí thuê đất và lương cho nhân viên tăng mạnh thời gian gần đây đã giảm đáng kể hiệu suất kinh doanh.
Bên cạnh đó, các trò chơi đã cũ và không có nhiều đổi mới cũng là một phần nguyên nhân của kết quả kinh doanh nói trên. Tuy nhiên, trong báo cáo gửi các cổ đông, ban lãnh đạo công viên cũng cho biết, nguồn vốn để đổi mới trò chơi hiện giờ là không có.
Tính riêng hoạt động của Công viên nước Hồ Tây, doanh thu năm 2016 đã giảm gần 37% so với năm 2012, chỉ còn hơn 37 tỷ đồng. Tỷ trọng doanh thu của khu vực công viên nước tính trên tổng doanh thu cũng giảm từ mức 55% xuống dưới 30% đến hết năm 2016. Doanh thu của khu vực giải trí trên mặt đất - Công viên Mặt trời Mới cũng chỉ loanh quanh mốc 10 tỷ đồng.
Lượt du khách đến Công viên Hồ Tây giảm mạnh từ mức 650.000 lượt vào năm 2012 xuống còn hơn 500.000 lượt vào năm 2016. Riêng khu vực công viên nước, lượng khách từ mức gần 567.000 lượt vào năm 2012 thì đến 2016 chỉ còn gần 340.000 lượt khách tham gia dịch vụ.
Tuy vậy, nếu so sánh với Công viên nước Đầm Sen, quy mô đầu tư tài sản của công viên này thực tế chưa tới một nửa so với Công viên Hồ Tây. Tổng nguyên giá tài sản cố định của Công viên nước Đầm Sen chỉ hơn 100 tỷ đồng, trong đó hầu như đã khấu hao toàn bộ, trong khi giá trị khoản mục này đối với Công viên Hồ Tây là hơn 240 tỷ đồng. Mặc dù vậy hiệu suất từ hoạt động kinh doanh của Đầm Sen lại cao hơn đáng kể so với Hồ Tây.
Trong năm 2016, mặc dù doanh thu của Công viên nước Đầm Sen chỉ cao hơn khoảng 40% so với Công viên nước Hồ Tây nhưng lợi nhuận sau thuế gấp gần 20 lần. Trung bình, cứ mỗi 100 đồng doanh thu, Công viên Hồ Tây chỉ thu về hơn 3 đồng lợi nhuận nhưng với cùng con số doanh thu như vậy, Công viên nước Đầm Sen thu về hơn 41,7 đồng lợi nhuận.
Không rõ với tình hình hiện tại của công viên nước Hồ Tây liệu còn duy trì được bao lâu, nếu không sớm có thay đổi thì sợ rằng phải giải thể. Nếu lợi nhuận thấp còn gồng được, nhưng liên tục thua lỗ thì rất khó để tồn tại tiếp trong tình hình kinh tế cạnh tranh ngày càng quyết liệt.
Thanh Thái
Bài liên quan